Khi các kì thi SAT và ACT phải dừng lại vào năm 2020 do Đại dịch COVID-19, khoảng 2.000 trường đại học tại Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc để học sinh được lựa nộp hoặc không nộp chứng chỉ. Đây là một quyết định quan trọng dẫn đến việc làm tăng nhóm ứng viên và số lượng tuyển sinh từ các cộng đồng, nhóm thiểu số trong xã hội.
Sau khi đại dịch lắng xuống, một số trường đại học thuộc nhóm Ivy League và nhóm trường công đã khôi phục yêu cầu về điểm SAT và ACT trong quá trình tuyển sinh. Chỉ trong vài tháng qua, các trường đại học như Brown University, Dartmouth College, Texas University at Austin và Tennessee University đã công bố về yêu cầu lại, coi các bài kiểm tra là chỉ số mạnh mẽ để đánh giá khả năng thành công của việc học tập. Riêng Brown và Dartmouth cho biết điểm thi cao có thể giúp những sinh viên thiếu nguồn lực tạo ấn tượng trước các cán bộ tuyển sinh và do đó tăng sự đa dạng về nhóm người, chủng tộc trong trường.
Lý do thực sự khiến các trường khôi phục yêu cầu chứng chỉ SAT
Theo Bà Dominique J.Baker, Phó Giáo sư giáo dục và chính sách công tại Đại học Delaware, các trường đại học tư nhân có nguồn tài trợ lớn và quy mô sinh viên nhỏ, cùng với các trường công lập ở các “red states” (các bang có đa số cử chi ủng hộ Đảng Cộng Hòa), chiếm phần lớn danh sách các trường đang bắt đầu yêu cầu lại điểm SAT và ACT. Đối với các trường thuộc Ivy League, họ quyết định quay lại yêu cầu kiểm tra tiêu chuẩn hóa như SAT và ACT vì lý do liên quan đến quan điểm về chế độ trọng dụng nhân tài và cách đo lường trí thông minh, vốn có liên quan chặt chẽ đến vấn đề chủng tộc ở Mỹ. Trong khi đó, các trường công lập ở các bang như Tennessee và Texas đã chịu áp lực chính trị từ các cơ quan lập pháp để khôi phục lại bài kiểm tra chuẩn hóa. Bà Baker cho biết thêm rằng nhiều khoản viện trợ tài chính trên khắp nước Mỹ liên quan đến học thuật thường yêu cầu điểm kiểm tra.
Điểm SAT/ACT giúp các trường đại học phân loại các ứng viên, đặc biệt là với tình trạng lạm phát điểm GPA như hiện nay. Bài thi chuẩn hóa có giá trị trong việc xác định các sinh viên tài năng nhưng có hoàn cảnh kém may mắn hơn. Bằng cách xem xét điểm thi, ban tuyển sinh sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về tiềm năng học thuật của sinh viên. Đây là lý do tại sao một số trường đại học, như MIT, đã khôi phục yêu cầu về SAT/ACT, vì họ cho rằng các bài kiểm tra chuẩn hóa là một chỉ số đáng tin cậy để dự đoán sự thành công.
Điểm SAT có thể dự đoán được thành tích học tập của sinh viên trong năm đầu tiên tại các trường đại học. Các trường như Dartmouth, Brown và UT Austin đã quay lại yêu cầu SAT vì dữ liệu cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa điểm SAT cao và thành công học tập. Dartmouth nhấn mạnh rằng điều này áp dụng cho mọi sinh viên, bất kể hoàn cảnh gia đình. Brown và UT Austin cũng nhận thấy sinh viên nộp điểm SAT thường có điểm GPA cao hơn trong năm đầu tiên so với những người không nộp điểm.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng việc khôi phục các bài kiểm tra sẽ có tác dụng ngược. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc yêu cầu cung cấp điểm SAT chủ yếu có lợi cho những sinh viên da trắng, giàu có, những người có đủ khả năng chi trả cho các khóa học ôn luyên. Một số chuyên gia tin rằng sự gia tăng trong các đơn đăng ký và tuyển sinh từ sinh viên da màu có thể được coi là một sự rủi ro đối với một vài trường.
Dù chỉ có một số trường làm vậy, nhưng họ đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập tiêu chuẩn tuyển sinh. Khi các trường không yêu cầu bài thi, đã có nhiều sinh viên da màu nộp đơn hơn, cho thấy các bài kiểm tra này có thể là rào cản đối với một số nhóm sinh viên có điều kiện khiêm tốn. Những trường đã tăng tỷ lệ tuyển sinh của sinh viên da đen và Latin lo ngại rằng việc quay lại yêu cầu các bài kiểm tra có thể gây ra các vụ kiện về phân biệt đối xử ngược lại, đặc biệt khi Tòa án Tối cao đã hạn chế việc tuyển sinh dựa trên chủng tộc.
Nguồn: The Guardian, Forbes